Đa phần mọi người có thể đọc được một số biển báo quan trọng như biển cấm đường một chiều, cấm dừng đỗ xe, vạch kẻ phân làn đường...
Nhưng còn rất nhiều biển báo hiệu đường bộ khác mà không nhiều người không hiểu hết. Thú thực, tôi cũng nằm trong đa số này (tôi viết bài này cũng một phần là để học lại).
Là người tham gia giao thông sáng suốt, chắc bạn không vì thực tế trên mà bỏ qua việc học và hiểu các biển báo giao thông đường bộ. Điều đó đem lại cho bạn nhiều lợi ích:
- Giữ an toàn cho người tham gia giao thông (cho Bạn)
- Đảm bảo trật tự giao thông (cho mọi người)
- Tạo sự thuận tiện, thoải mái (bạn và người khác)
- Xây dựng văn hóa giao thông, và cao hơn là xây dựng văn minh đô thị (cái này cho xã hội )
- Đạt điểm thi trong kỳ thi lấy bằng ô tô, xe máy (với ai muốn thi lấy bằng)
- Trang bị kiến thức để lập luận nhỡ khi bị Cảnh sát giao thông “phạt nhầm” (cái này cũng quan trọng, nếu bạn không muốn mất tiền mà lại bực mình)
Và nội dung của bài này nhằm cung cấp những thông tin hữu ích về chủ đề quan trọng đó.
Trước hết, khi thấy một tấm biển báo, bạn có bao giờ thắc mắc xem nó được cắm ở đó dựa vào...
Căn cứ pháp lý nào?
Biển báo cũng phải tuân theo quy chuẩn của pháp luật. Những chi tiết như: hình dạng, kích thước, màu sắc, vị trí lắp đặt... đều phải theo quy định.
Các loại biển báo giao thông đường bộ Việt Nam
Theo Quy chuẩn 41, hiện ở Việt Nam có gần 200 biển báo giao thông, chia thành 5 nhóm biển liệt kê dưới đây. Mỗi biển được đánh số để dễ nhận biết và tham chiếu khi cần thiết.
Hiệu lực của mỗi loại biển báo cũng khác nhau, bạn nên tìm hiểu chi tiết từng biển theo quy chuẩn.
1. Biển báo cấm:
Nhóm này gồm 40 biển, đánh số thứ tự từ 101 đến 140 (Phụ lục B – Quy chuẩn 41)
Thể hiện những điều cấm, chẳng hạn như: đường cấm, cấm vượt, cấm đỗ... Người tham gia giao thông buộc phải chấp hành những biển này, nếu không sẽ bị coi là phạm luật.
Theo quy định, nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm có giá trị rất dài (Bao nhiêu mét thì được coi là rất dài?) thì tại các nơi đường giao nhau trong đoạn cấm có xe đi vào đoạn đường ấy thì các biển cấm phải được đặt nhắc lại.
2. Biển báo nguy hiểm:
Nhóm này gồm 46 biển, số thứ tự từ 201 đến 246, cảnh báo người đi đường về những nguy hiểm có thể xảy ra, giúp phòng tránh xảy ra tai nạn.
Biển cảnh báo không cấm, hay bắt buộc người điều khiển phương tiện phải thực hiện một hành động nào (như nhóm biển báo cấm, hay biển hiệu lệnh).
Nhưng vì sự an toàn của mình, mong bạn cũng hết sức lưu ý những tấm biển “tốt bụng” này. Mặc dù không phải “tuân theo” biển, nhưng hãy ghi nhớ những thông tin mà chúng nhắc nhở bạn. An toàn là trên hết phải không bạn?
3. Biển hiệu lệnh:
Nhóm biển này gồm 10 biển, đánh số thứ tự từ 301 đến 310, báo hiệu cho người đi đường phải thi hành hiệu lệnh như nội dung của biển, chẳng hạn như: phải đi thẳng, vòng sang phải, chạy nhanh hơn tốc độ tối thiểu...
Đây là loại biển báo bắt buộc người tham gia giao thông phải tuân thủ, dù bạn đi ô tô, xe máy, hay đi bộ.
4. Biển chỉ dẫn:
Gồm có 47 biển, đánh số thứ tự từ 401 đến 447.
Nhóm biển này hướng dẫn những thông tin cần thiết và hữu ích để người đi đường được thuận lợi, an toàn
5. Biển phụ
Nhóm biển báo phụ viết bằng chữ, gồm 9 biển, đánh số từ 501 đến 509.
6. Vạch kẻ đường
Đây cũng là một loại tín hiệu giao thông quan trọng mà bạn không thể không biết khi lái xe. Vạch kẻ đường cũng có nhiều loại, ý nghĩa và tầm quan trọng khác nhau. Có loại vạch mang tính hướng dẫn, có loại lại mang tính bắt buộc thi hành.
7. Biển báo trên đường cao tốc
Đường cao tốc là đường chỉ dành cho xe cơ giới chạy với tốc độ cao, có dải phân cách chia đường cho xe chạy theo hai chiều ngược nhau riêng biệt và không giao cắt cùng mức với đường khác.
Khi lái xe trên đường cao tốc, bạn sẽ thấy hệ thống biển báo có nhiều điểm khác so với biển báo giao thông trên đường bình thường. Nhóm biển trên đường cao tốc như hình dưới.